F&B viết tắt của Food and Beverage – chỉ ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Theo đó ta có thể hiểu kinh doanh ngành F&B là kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, đồ ăn, đồ uống,… và kinh danh cả những công tức tạo nên thương hiệu. Thị trường F&B đang rất hot trong những năm trở lại đây. Nó cũng là lựa chọn hàng đầu cho những bạn trẻ muốn startup. Cùng Isaac tìm hiểu cơ hội, thách thức và những ý tưởng khi đầu tư vào thị trường F&B hiện nay qua bài viết dưới đây nhé!
Mục Lục Bài Viết
1. Tiềm năng phát triển của Thị trường F&B
Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Mính, Đà Nẵng, Hải Phòng… bạn không bao giờ cần phải lo lắng về chỗ ăn uống, vui chơi, hẹn hò hay công việc. Bởi cứ vài bước chân ta lại dễ dàng bắt gặp những quán ăn, nhà hàng được bài trí đẹp mắt sang trọng hay cả những gánh hàng dân dã nằm sâu trong ngõ hẻm, lề đường,… cho bạn thoả sức chọn lựa.
Những con số ” biết nói”
Để có thể hình dung rõ ràng, chúng ta hãy tham khảo số liệu của Dcorp R- Keeper Việt Nam. Đây là doanh nghiệp cung cấp giải pháp POS và hệ sinh thái công nghệ cho thị trường F&B. Hiện nay cả nước đang có 540.000 cửa hàng kinh doanh ăn uống. Trong đó có khoảng 430.000 cửa hàng vừa và nhỏ; 7.000 nhà hàng chuyên cung cấp dịch vụ đồ ăn nhanh; 22.000 cửa hàng phục vụ cà phê, các quầy bar; trên 80.000 nhà hàng được đầu tư một cách bài bản. Các chuyên gia tin chắc rằng con số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Việt Nam là một quốc gia có số người trẻ đông. Tính chất công việc và lối sống khiến họ đa số đều thích ăn ngoài. Hơn thế, nước ta còn có một nền ẩm thực vô cùng đa dạng, phong phú với rất nhiều món ăn, thức uống ngon miệng, bắt mắt, mà giá cả phù hợp. Vì vậy lĩnh vực F&B được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư và phát triển.
Trong những năm gần đây, không chỉ các thương hiệu F&B trong nước phát triển nở rộ, mà ngay cả những ông lớn thế giới cũng đang bắt đầu xâm nhập thị trường đầy tiềm năng này. Có tới 8/10 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh năm 2019 đã và đang đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, một số thương hiệu cũng đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình như: Starbuck; McDoland hay KFC… Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là thách thức mà các bạn trẻ trong nước muốn khởi nghiệp phải đối mặt.
2. Hướng đi nào cho các doanh nghiệp trong thị trường F&B hiện nay
Thị trường F&B được ví như “cơn lốc” phát triển ở nước ta những năm gần đây. Song vẫn còn khá lẻ tẻ. Đây chính là cơ hội vô cùng lớn để các doanh nghiệp muốn phát triển thành hệ thống; chuỗi cung ứng dịch vụ chất lượng. Đồng thời cũng có thể triển khai những phương án sáng tạo hơn. Như kết hợp kinh doanh nhà hàng và khách sạn hay du lịch…
Có “tâm” ắt sẽ có “tầm” trên thị trường F&B
Chất lượng cuộc sống ngày một được cải thiện. Ăn uống là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Bởi vậy khách hàng hiện nay dư thừa điều kiện để không ngại “đầu tư” cho vị giác của mình. Họ sẵn sàng trả một mức giá cao nếu cơ sở của bạn cung cấp đồ ăn ngon; chất lượng phục vụ tốt.
Vì vậy, ở giai đoạn đầu bạn không nên vội vàng mở một loạt cửa hàng mà quên đi, xem nhẹ vấn đề dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Cũng không nên vì tham chút lợi mà nhập những nguyên liệu rẻ tiền gây ảnh hưởng đến hương vị món ăn, đồ uống. Hãy luôn là một doanh nghiệp kinh doanh dựa trên chữ “tâm” nếu muốn phát triển lâu dài và bền vững trên thị trường F&B.
Nhạy bén bắt kịp xu thế
Trong ngành này, mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp đi trước đã thành công và tạo dựng được vị thế riêng của mình. Nhưng thị trường luôn luôn thay đổi và ta không thể biết trước được điều gì. Đại dịch COVID – 19 đã và đang làm thay đổi không chỉ nền kinh tế thế giới. Nó cũng đang dần khiến các nhà kinh doanh F&B nhận ra rằng cần phải phát triển thương hiệu của mình cả trên các nền tảng online nhằm đảm bảo nhu cầu thị trường. Đó là bước đi cần thiết để có thể bắt kịp với xu hướng và cũng là giải pháp thông minh giúp đối phó với hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp – khi người dân đều hạn chế ra đường theo lệnh của Chính phủ như hiện nay.
Vì thế, các doanh nghiệp cần liên tục làm mới mình, đưa ra những phương án quyết liệt như: chuyển sang kinh doanh online, kết hợp kinh doanh với dịch vụ giao hàng tận nhà, thanh toán qua internet,… Các bạn trẻ nếu muốn Startup trong thời gian này cũng cần đưa ra được những ý tưởng sáng tạo độc đáo, tạo nên một màu sắc riêng biệt như trào lưu trà sữa rất được các bạn trẻ ưa thích hay mới đây là trà chanh và sữa chua trân châu Hạ Long…
Đi tìm những ý tưởng đầu tư kinh doanh F&B tuyệt vời
Dễ nhất là mở quán – khó nhất là giữ quán. Xu hướng kinh doanh F&B thường thấy với các bạn trẻ khi quyết định mở quán, đó là có một khoản tiền nho nhỏ và muốn sở hữu một quán riêng. Các bạn thường hay quan sát xem thị trường đang chuộng món gì thì sẽ lập thành một danh sách. Cuối cùng chốt lại món dễ nhất trong tầm tay của các bạn để làm. Nhưng đó lại chính là sai lầm lớn nhất khi bắt tay vào lĩnh vực này của các bạn trẻ.
Sai lầm thường gặp khi đầu tư vào thị trường F&B
Chúng ta thường được nghe về những ý tưởng khởi nghiệp kiểu: Người ta bán cà-phê đá xay được quá thì mình sẽ bán cà-phê đá xay. Người ta bán phô-mai que chạy quá vậy mình sẽ bán phô-mai que. Thấy người ta bán trà chanh chém gió lãi quá mình cũng bán trà chanh chém gió.
Rốt cuộc, chúng ta chỉ góp phần làm cho thị trường đó phình to hơn, loãng hơn chứ không tạo ra một đại dương xanh, một điểm nhấn nào cả. Lẽ ở đời, cứ cái gì dễ làm, ngon ăn ắt sẽ có nhiều người nhảy vào. Cứ thế sau vài tháng, cung tự động vượt cầu và những cửa hàng đó sẽ dần bị thải loại khỏi thị trường do:
- Làm dở hơn người ta
- Làm ngon nhưng thiết kế cửa hàng chưa bắt mắt
- Món đó hết thời: nhìn lại trà chanh chém gió và phô-mai que “vang bóng một thời”!
Tiêu chí lựa chọn sản phẩm kinh doanh F&B
Chính vì vậy, việc đầu tiên cần làm là tìm ra một sản phẩm kinh doanh F&B thoả mãn được 1 trong 2 tiêu chí sau (hoặc cả 2 thì càng tốt):
- Mới: chưa ai bán và dễ bắt chước (VD: Trà Đào, Kem Cuốn, Xoài Lắc)
- Độc: chưa ai bán và khó bắt chước (VD: Cà-phê Ăn Cả Ly)
Không khuyến khích tiêu chí “Rẻ”, điều mà vốn được nhiều bạn chọn khi mở quán. Lí do là việc bán rẻ sẽ gây áp lực cho chủ quán khi (1) giá nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến chi phí vốn; (2) đối thủ cạnh tranh bán rẻ hơn. Tiêu chí ” ngon” cũng không được đưa vào đây vì một số nguyên nhân sẽ giải thích rõ hơn trong phần Marketing.
Thêm vào đó, một trong những hướng đi của những brand F&B trong năm tới là xu hướng sống xanh. Hiện nay, vấn đề môi trường được khách hàng tại Việt Nam đánh giá cao hơn cả. Trào lưu sống xanh đã nở rộ từ đầu năm 2019 và nó đã “ăn sâu” và tâm lý, nhận thức của nhiều khách hàng. Chính bởi lẽ đó, nhiều thương hiệu đã đánh vào Insight này; tạo ra những chiến dịch bảo vệ môi trường, tăng được Brand Score – chỉ số cảm xúc của người dùng với thương hiệu.
Bí kíp để đưa ra món mới khi kinh doanh trong thị trường F&B đầy cạnh tranh
Một câu hỏi lớn hiện ra trong đầu mọi người, đó là làm sao để nghĩ ra những món mới, độc hoặc vừa độc vừa mới. Dưới đây là một số cách để tạo ra chúng:
Cũ Người Mới Ta
Đem một món đã cũ của thế giới; hoặc của miền khác; hoặc của những nhà hàng cao cấp về bắt chước y chang bán ở khu vực của bạn. Điển hình vô cùng dễ thấy đó là bánh tráng nướng Đà Lạt bán ở Saigon, hoặc Sushi/Bánh Bạch Tuộc Takoyaki bán ở vỉa hè. Hay món quen thuộc như Phở bò Nam Định. Dạng sản phẩm này dễ bị bắt chước và cạnh tranh về giá.
Tưởng Cũ Mà Mới
Khoác lên chiếc áo mới cho một món ăn cũ. Gần đây có món kem cuốn chính là lớp áo mới của món kem viên. Khả năng bị bắt chước của dạng sản phẩm này tùy thuộc vào bí quyết của sáng tạo tạo chiếc áo mới cho món cũ có dễ bị bắt bài hay không? Như món kem cuốn hiện nay từ một món mới lạ đã trở thành một món đi đâu cũng thấy do muốn chế biến chỉ cần mua cái máy làm kem về là xong.
Góp Cũ Thành Mới
Đây là thành phẩm của việc kết hợp 2 món cũ để tạo ra một món mới. Ví dụ điển hình là món Xôi Cuốn là kết hợp của xôi mặn gói lá chuối của Việt Nam và cơm cuộn Burrito của Mexico. Thường những món dạng này luôn đòi hỏi kỹ năng cao và bí quyết chế biến khó hơn.
Đảo Cũ Thành Mới
Thay đổi suy nghĩ quen thuộc về một món cũ để tạo ra một món mới. Ví dụ như món kem chiên, vốn dĩ được tạo ra từ việc đảo ngược suy nghĩ quen thuộc “kem phải lạnh”. Chúng ta đã biến nó thành một món chiên (từ lạnh trở thành nóng). Hoặc những tiệm cà-phê có ly được làm từ bánh. Vốn chúng ta quen với suy nghĩ “ly là để đựng”. Nhưng giờ nó đã biến thành một món uống xong rồi ăn luôn ly (ly ăn được). Cách làm này tạo ra sự bất ngờ cho thực khách. Nhưng cũng đòi hỏi những kỹ năng chế biến khá phức tạp. Bởi vậy cũng thuộc nhóm sản phẩm khó bắt chước, đạo nhái.
Với những cách làm trên, Isaac hy vọng các bạn có thể sử dụng nó để tạo ra những sản phẩm, ý tưởng mới lạ của riêng thương hiệu mình. Tuy nhiên sản phẩm cũng giống như ý tưởng vậy, bất cứ ai cũng có thể nghĩ cùng những điều bạn đang nghĩ. Điều tạo nên khác biệt nằm chính ở phương pháp kinh doanh biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Bởi nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, sự kiên nhẫn, niềm đam mê, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa.
Xem thêm: Mẹo tăng giá đồ ăn thức uống mà vẫn giữ chân được khách hàng