Blog dưới đây sẽ giải thích cụm từ CTV là gì, phân biệt ctv và freelancer. Ngoài ra còn có các công việc ctv hot nhất trong năm 2023.
Mục Lục Bài Viết
CTV là gì?
CTV là từ viết tắt của “Cộng Tác Viên”, dùng để chỉ những người làm việc tự do, thường là bán thời gian và không được bao gồm trong hệ thống nhân sự chính thức của công ty. Những người này thường không bị gò bó về giờ giấc và có thể làm nhiều công việc cộng tác viên cùng lúc.
Thông thường, CTV không cần đặt cọc, họ được chủ hướng dẫn, yêu cầu những việc cần làm và nhận hoa hồng sau khi bán sản phẩm.
Cộng tác viên khác gì freelancer?
Cộng tác viên thường có những ràng buộc với công ty và cam kết lớn hơn so với một freelancer. Ví dụ, cộng tác viên viết bài trên facebook cho một nhóm thì cần viết 2 bài một tuần, và duy trì trong một thời gian dài.
Mặt khác, freelancer thường được thuê để hoàn thành một hay những tác vụ cụ thể mà không có ràng buộc lâu dài. Ví dụ, công ty tuyển một freelance graphic designer (freelancer thiết kế đồ hoạ) để thiết kế 20 posters nhân dịp Tết.
Sau khi hoàn thành công việc, freelancer sẽ được trả một khoản tiền nhất định cho lần hợp tác đó mà không có những cam kết hay thỏa thuận lâu dài.
Top những vị trí phù hợp cho CTV
Ngày nay, khi nhắc đến công việc cần tuyển CTV nhiều nhất, người ta nghĩ ngay đến những công việc online làm tại nhà.
1. Cộng tác viên viết nội dung (content marketing)
CTV viết nội dung bao gồm nhiều mảng như: Cộng tác viên viết bài SEO (Search engine optimization), viết báo, viết blog, viết bài trên Facebook…
Công việc viết nội dung chính là tạo ra các bài viết hay, liên quan để tăng giá trị cho người đọc. Mục đích để các nhãn hàng tiếp cận được khách hàng thông qua cách tiếp thị bằng nội dung bổ ích của họ.
Thông thường, các bài viết cho các nhãn hiệu sẽ được dẫn về mục tiêu cuối cùng và cốt lõi là bán được hàng.
Còn những bài viết dành cho những cổng thông tin như blog, báo … thì sẽ nhắm đến số lượng khán giả để họ có doanh thu thông qua quảng cáo trên website (banner ads, sponsored mentions, …)
2. Cộng tác viên bán hàng online
CTV bán hàng thường được tuyển bởi các nhà bán lẻ, sỉ như shop thời trang, cửa hàng bán đồ gia dụng vv. Trách nhiệm của một CTV bán hàng là đăng bài bán hàng, tư vấn sản phẩm để chốt đơn cho khách.
Hầu hết các CTV bán hàng online sẽ không bị gò bó về thời gian, doanh số… Thay vào đó, những cộng tác viên này sẽ được nhận hoa hồng dựa trên số lượng hàng bán được.
3. Cộng tác viên hỗ trợ kinh doanh bất động sản
Công việc chủ yếu của một công tác viên hỗ trợ kinh doanh bất động sản khá giống bán hàng online. Tuy vậy, mảng này đòi hỏi CTV phải biết nhiều nền tảng khác nhau.
Công việc của một CTV hỗ trợ kinh doanh BDS thường là đăng tải hình ảnh, thông tin về đất nền, nhà (để bán) lên mạng xã hội như Facebook, Zalo, hay các chợ online.
Công việc này nhằm mục đích tiếp cận được nhiều người nhất có thể để hỗ trợ kéo thêm khách hàng tiềm năng về cho nhân viên kinh doanh chốt đơn.
4. Cộng tác viên telesales – ngân hàng
Công việc của một cộng tác viên telesales tại ngân hàng thường là gọi điện thoại dựa trên một danh bạ được ngân hàng cung cấp. Các bạn sẽ gọi điện đến những khác hàng này và chào mời, thuyết phục họ mua một sản phẩm hoặc dịch vụ của ngân hàng.
Ví dụ như thẻ tín dụng VISA Mastercard được phát hành bởi ngân hàng đó.
5. Cộng tác viên dịch thuật
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI đang tác động phần nào đến các nghề phiên dịch, nhưng trong thời gian trước mắt, thông dịch viên vẫn là một nghề cần thiết cho xã hội. Để có thể dịch tài liệu mà vẫn giữ được sự tự nhiên, các phần mềm dịch chưa đáp ứng được hoàn toàn.
Công ty thường tuyển CTV dịch và biên tập các tài liệu tiếng Anh, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc… sang tiếng Việt hay một ngôn ngữ khác tùy thuộc vào mong muốn của công ty và khách hàng.
Ngoài ra, nhiều tổ chức cũng tuyển CTV đi phiên dịch ngắn ngày cho các hội thảo, hội nghị, triển lãm, giao dịch thương mại… Thí sinh ứng tuyển thường là những bạn có kinh nghiệm với ngôn ngữ, cựu du học sinh, …
Những lợi ích khi làm CTV
Khi trở thành một cộng tác viên, các bạn sẽ được những lợi ích nhất định phổ biến nhất là:
1. Tự do thời gian
Các bạn có thể làm việc vào bất kì thời gian nào phù hợp với thời gian biểu của mình nhất mà không bị bó buộc vào khung giờ hành chính 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
2. Kiểm thêm thu nhập
Các bạn có thể tăng thu nhập hàng tháng bên cạnh công việc chính của mình, mức thù lao một CTV làm việc online nhận được sẽ dao động trong khoảng 1.000.000 đồng – 10.000.000 đồng/tháng có thể hơn tùy vào kinh nghiệm và kĩ năng.
3. Không cần vốn hoặc ít vốn
Khi làm CTV bán hàng, các bạn sẽ là những người tiếp thị sản phẩm cho công ty, thường thì sẽ không cần vốn, nếu cần thì cũng ít. Còn những công việc như viết nội dung thì sẽ không cần vốn trực tiếp, nhưng các bạn phải có máy tính và mạng internet (cái này ai chắc cũng có).
4. Không yêu cầu kinh nghiệm cao
Một người viết bài cơ bản thì không cần có quá nhiều kinh nghiệm, ngoại trừ những lĩnh vực như tài chính, sức khỏe, hay những chủ đề chuyên ngành. Một cộng tác viên viết bài về đời sống, chủ đề chung chung như “Mẹo để đọc 3 cuốn sách mỗi tháng” thì sẽ không yêu cầu kiến thức chuyên môn và các bạn có thể bắt đầu ngay.
Tuy nhiên, các bạn sẽ phải nghiên cứu đôi chút về chủ đề này trên mạng để hỗ trợ bạn viết bài giàu thông tin hơn.
5. Trau dồi kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm
Khi còn là học sinh/sinh viên, các bạn rất cần kinh nghiệm không chỉ để làm đẹp hồ sơ (CCV), mà còn là để trau dồi và phát triển bản thân.
Các sinh viên ngành báo chí có thể tìm các công việc liên quan đến CTV viết báo, sinh viên kinh doanh có thể làm cộng tác viên bán hàng, ngành tài chính ngân hàng có thể làm về mảng xét duyệt hồ sơ trong ngân hàng…
6. Gia tăng cơ hội nhận được việc làm tốt
Những công việc CTV này sẽ mang đến cực nhiều kinh nghiệm thực tế và là bàn đạp cực tốt cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thử nghĩ nếu một đứa bạn của bạn vừa đi học vừa làm phục vụ tại một quán cà phê trong khi ngành học là về tài chính, còn bạn lại làm CTV cho một công ty chứng khoán.
Vậy sau khi tốt nghiệp cơ hội việc làm trong cùng lĩnh vực đó đối với ai sẽ cao hơn?
Kết luận
Cộng tác viên là loại hình truyển dụng và khá giống với một freelancer. Mong các bạn đã hiêu được khái niệm CTV và có thể tìm được những công việc phù hợp với năng lực bản thân nhất.